Những tuyệt phẩm của mỹ thuật Việt: “Tìm đường” hồi hương
VHO- Ở nước ngoài, chuyện nhà sưu tầm hiến tặng bảo tàng các tác phẩm nghệ thuật, hội họa là khá phổ biến, nhưng ở Việt Nam dường như vẫn còn hiếm hoi. Trên thực tế, nhiều tác phẩm của các danh họa Việt đang chu du khắp thế giới hoặc nằm trong các bộ sưu tập cá nhân.
Đại sứ Phạm Việt Anh, bà Ellen Berends và các đại biểu tại buổi lễ tiếp nhận hai tác phẩm nghệ thuật tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hà Lan (nguồn: Baoquocte.vn)
Hành trình hồi hương từ châu Âu của hai bức tranh do họa sĩ Phùng Phẩm sáng tác mới đây, một lần nữa làm sáng lên hy vọng mở rộng đường về quê mẹ của những tuyệt phẩm hội họa Việt. Tiếp nhận hai tác phẩm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết sẽ sớm đưa ra trưng bày, tạo thêm cơ hội thưởng thức nghệ thuật cho công chúng.
Hành trình hồi hương tranh quý
Bà Ellen Berends, nhà cựu ngoại giao Hà Lan mới đây đã hiến tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hai tác phẩm Kiêu hãnh (sơn mài, 1998) và Những nụ hôn tình yêu (bình phong sơn mài, 2000) do họa sĩ Phùng Phẩm sáng tác. Bà Ellen Berends đã sưu tầm hai tác phẩm này tại Hà Nội, trong thời gian là Phó đại sứ tại Đại sứ quán Hà Lan (1997-2001). Sau đó, hai tác phẩm đã theo bà đi đến nhiều quốc gia khác nhau, trước khi về Hà Lan.
Những năm tháng sống và làm việc tại Việt Nam đã để lại trong bà Ellen Berends nhiều kỷ niệm. Xa dải đất hình chữ S đã hơn 20 năm, nhưng với bà, tình yêu dành cho nơi này vẫn nguyên vẹn trong tim. Bà đã tìm gặp Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan để bày tỏ nguyện vọng hiến tặng hai tác phẩm nghệ thuật mà bà sở hữu với mong muốn để công chúng Việt có dịp được chiêm ngưỡng lâu dài các tác phẩm nghệ thuật giá trị này.
“Tháng 12.1998, tôi mua Kiêu hãnh tại một phòng tranh ở Hà Nội. Bức tranh mô tả một người phụ nữ miền Bắc Việt Nam trong trang phục truyền thống. Tôi bị ấn tượng bởi vẻ đẹp, sự sang trọng của nhân vật chính và chất lượng đặc biệt của tác phẩm này. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nghe nói về họa sĩ Phùng Phẩm. Vào tháng 5.2000, tôi bắt gặp Những nụ hôn tình yêu trong một phòng trưng bày nghệ thuật khác ở Hà Nội. Bức bình phong sơn mài cỡ lớn vẽ đôi tình nhân trên bốn tấm khác nhau. Tôi đã bị choáng ngợp bởi sự táo bạo, đam mê và độc đáo của tác phẩm. Hóa ra đây lại là tranh của Phùng Phẩm. Như với Kiêu hãnh, tôi quyết định dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình để mua bức tranh. Đây thực sự là tác phẩm nghệ thuật mà tôi muốn thưởng thức mỗi ngày...”, bà Ellen Berends nhớ lại.
Họa sĩ Phùng Phẩm và TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Các bức tranh sau đó đã cùng bà đến Cape Town (Nam Phi). Đây là nơi bà gặp chồng, ông Nicolaas Vergunst, người am hiểu về nghệ thuật và bảo tàng. Sau đó, hai tác phẩm đã theo chân họ đi khắp nơi: Kyiv (Ukraine), Strasbourg (Pháp), Zagreb (Croatia), Dusseldorf (Đức) và trở về quê nhà Hà Lan.
Bà Ellen Berends kể, trong thời gian đảm nhiệm các chức vụ Đại sứ, Tổng lãnh sự và Phó trưởng phái đoàn đại diện ngoại giao, tranh của họa sĩ Phùng Phẩm được bà trưng bày tại các dinh thự ngoại giao chính thức. Bà đã tiếp đón nhiều vị khách và họ đều ấn tượng trước các tác phẩm này. “Cho đến năm 2015, tôi cùng chồng đến Việt Nam để giới thiệu về đất nước, văn hóa, con người và những người bạn Việt Nam của tôi với anh ấy. Chúng tôi nhận ra rằng Kiêu hãnh và Những nụ hôn tình yêu có vị thế và chất lượng bảo tàng học, xứng đáng với lượng khán giả rộng lớn hơn. Từ đó, chúng tôi quyết định đóng góp lâu dài cho nền văn hóa di sản của Việt Nam…”, theo bà Ellen Berends.
Sau khi tranh được chuyển về nhà riêng ở Hà Lan, bà Ellen Berends đã mời ông Phạm Việt Anh, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan ghé thăm. Ông Việt Anh đã kết nối tới Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh về việc hiến tặng. Thỏa thuận chuyển giao được soạn thảo và ký kết trong buổi lễ do Đại sứ quán Việt Nam tại The Hague tổ chức vào tháng 11.2022. Đại diện phía Việt Nam đóng gói, vận chuyển tranh về nước.
“Chúng tôi chưa bao giờ gặp trực tiếp họa sĩ Phùng Phẩm, nhưng chúng tôi đã sống với các tác phẩm của ông trong một phần tư thế kỷ. Chúng tôi rất vui khi Phùng Phẩm đã trực tiếp đón tranh của ông về. Chúng tôi cảm thấy vinh dự và mang ơn ông sâu sắc vì vẻ đẹp ông đã tạo nên trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi hy vọng rằng công chúng cũng sẽ sớm có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm của ông trong Bảo tàng. Phùng Phẩm là một điển hình đáng tự hào về sự giàu có của nền văn hóa Việt…”, bà Ellen Berends xúc động.
Khát vọng đưa những bức tranh quý trở về
Tác phẩm Kiêu hãnh của Phùng Phẩm (sơn mài, 1998)
Những ngày đầu năm 2023, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tiếp nhận những tài liệu cuối cùng góp phần hoàn thiện hồ sơ hai tác phẩm. Sau một hành trình dài, đến nay, Kiêu hãnh và Những nụ hôn tình yêu đã từ châu Âu trở về đất Mẹ.
Gặp lại những đứa con tinh thần sau “một vòng trái đất”, họa sĩ Phùng Phẩm ở tuổi 91 vô cùng xúc động khi Kiêu hãnh và Những nụ hôn tình yêu đã trở thành một phần của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nếu Kiêu hãnh mô tả thiếu nữ trong trang phục truyền thống của dân tộc Nùng thì Những nụ hôn tình yêu khắc họa khoảnh khắc thân mật giữa chàng trai da đen và cô gái da trắng, ngụ ý xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc. “Hai tác phẩm với đề tài khác biệt được bà Ellen Berends mua ngay sau khi tôi hoàn thành không lâu. Tôi tự hào khi tranh của mình được cựu đại sứ đưa đi nhiều nơi trên thế giới, góp phần quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Hơn 20 năm trôi qua, tranh vẫn được bảo quản với chất lượng rất tốt, điều đó thật đáng trân trọng. Tôi hy vọng khi về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, những tác phẩm này sẽ được tiếp tục phát huy giá trị”, ông chia sẻ.
Tác phẩm Những nụ hôn tình yêu của Phùng Phẩm (bình phong sơn mài, 2000)
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Phùng Phẩm là một trong những tên tuổi có nhiều dấu ấn với mỹ thuật Việt. Ông chủ yếu sáng tác đề tài thiếu nữ, phong cảnh với cách thể hiện nhẹ nhàng. Phùng Phẩm luôn cẩn trọng trong cách xử lý chất liệu, màu sắc. Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông giàu tính trang trí, cách điệu, tạo được chất thơ riêng…
TS Nguyễn Anh Minh cho biết, thời gian tới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu và phát huy giá trị tác phẩm. Theo ông Minh, trên thế giới, việc cá nhân hiến tặng tác phẩm cho bảo tàng là không hiếm; tuy nhiên ở Việt Nam, điều này vẫn còn mới mẻ. “Hiện còn có rất nhiều tác phẩm của các danh họa Việt đang lưu lạc ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong những sưu tập riêng. Trong khi các bảo tàng công lập chưa có nhiều điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính để hồi hương những tuyệt phẩm này, chúng tôi rất mong có cơ hội được hợp tác với những nhà sưu tập, những Mạnh Thường Quân để có thể đưa những tác phẩm giá trị của mỹ thuật Việt Nam, có chất lượng nghệ thuật và nguồn gốc rõ ràng đến với công chúng…”, ông Minh bộc bạch.
Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa các tổ chức, cá nhân mong muốn hiến tặng hiện vật để góp phần làm giàu có và phong phú thêm bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; đồng thời góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc… (Ông NGUYỄN ANH MINH, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) |
Chúng tôi chưa bao giờ gặp trực tiếp họa sĩ Phùng Phẩm, nhưng chúng tôi đã sống với các tác phẩm của ông trong một phần tư thế kỷ. Chúng tôi rất vui khi Phùng Phẩm đã trực tiếp đón tranh của ông về. Chúng tôi cảm thấy vinh dự và mang ơn ông sâu sắc vì vẻ đẹp ông đã tạo nên trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng tôi. Bây giờ chúng tôi hy vọng rằng công chúng cũng sẽ sớm có cơ hội chiêm ngưỡng các tác phẩm của ông trong Bảo tàng. Phùng Phẩm là một điển hình đáng tự hào về sự giàu có của nền văn hóa Việt… (Bà ELLEN BERENDS) |
PHƯƠNG ANH